Đại học Sydney

Lịch sử của chúng tôi

Chúng tôi đã thành lập Viện như thế nào?

Viện Đại học Sydney Việt Nam tiếp nối truyền thống hợp tác mật thiết giữa Việt Nam và Úc.

Quan hệ hợp tác ngoại giao hơn 50 năm qua đã mang lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam và Úc. 

Năm 1974, chỉ một năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, chính phủ liên bang Úc đã trao học bổng giáo dục đầu tiên cho một sinh viên Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu chính thức cho quan hệ hợp tác mật thiết giữa các trường đại học Úc và Việt Nam.

Quan hệ đối tác và hoạt động nghiên cứu của Đại học Sydney tại Việt Nam đã và đang phát triển ổn định từ những năm 1990. Các dự án trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp và kinh tế đã hình thành trọng tâm ban đầu của các mối quan hệ đối tác này, và sau đó hoạt động nghiên cứu mở rộng sang các lĩnh vực như y học và sức khỏe, khoa học, kinh doanh và thương mại, kinh tế và chính sách cũng như nghệ thuật.

Nhiều dự án và kết quả nghiên cứu trong số này đã được hiện thực hóa sau hơn một thập kỷ tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam thông qua mối liên kết với Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock và nhóm của Viện Woolcock Việt Nam.

Đại học Sydney là nơi các sinh viên, học giả, chuyên gia và các cơ quan chính phủ ở cấp quốc gia và địa phương ở Việt Nam và Úc cùng triển khai các hoạt động đào tạo, hợp tác nghiên cứu và các hoạt động hợp tác khác.

Viện Đại học Sydney Việt Nam đánh dấu một chương mới trong lịch sử hợp tác của Đại học Sydney với Việt Nam với mong muốn kiến tạo và thúc đẩy các cống hiến cho cộng đồng thông qua việc thiết lập một trung tâm kết nối cho các hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong tương lai.

Những dự án nghiên cứu nổi bật trong lịch sử hợp tác giữa Đại học Sydney và Việt Nam

Giáo sư Greg Fox (Đại học Sydney), Giáo sư Guy Marks (Đại học New South Wales), và Giáo sư Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Nghiên cứu của Viện Đại học Sydney Việt Nam), cùng đội ngũ nghiên cứu và đối tác đã thiết kế và triển khai mô hình can thiệp y tế công cộng và các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn để tạo tiền đề cho phòng ngừa, điều trị và chấm dứt bệnh lao. Các công trình nghiên cứu này là thành quả hợp tác của các nhà nghiên cứu và các mạng lưới nghiên cứu bệnh lao quốc tế hàng đầu, các viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia và khu vực cũng như các trường đại học Y, góp phần vào việc hiện thực hóa Chiến lược chấm dứt bệnh lao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Kết quả nghiên cứu của các công trình này đã được đưa vào hướng dẫn toàn cầu của WHO và được trao Giải thưởng Khoa học Hồ Chí Minh danh giá năm 2022.

Nghiên cứu về kháng kháng sinh đã giúp tăng cường công tác quản lý sử dụng kháng sinh tại các trung tâm y tế địa phương ở Việt Nam. Thông qua hợp tác với hơn 20 bệnh viện trên cả nước, Đại học Sydney và các nhà nghiên cứu địa phương đã đưa ra các hướng dẫn mới giúp các bệnh viện giảm việc sử dụng kháng sinh không phù hợp. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc đào tạo và hỗ trợ cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe có thể làm giảm đáng kể việc sử dụng kháng sinh và hiện vẫn đang được tiếp tục triển khai thông qua hoạt động nghiên cứu hiện tại đang được tiến hành tại Viện.

Ngoài các nghiên cứu về bệnh lao và kháng kháng sinh, nghiên cứu của Đại học Sydney nhằm hỗ trợ phòng ngừa và quản lý dịch bệnh tại Việt Nam đã giúp nâng cao hiểu biết của chúng ta về bệnh phổi, ung thư vú và bại não. Nghiên cứu này đã hỗ trợ cho các bác sĩ lâm sàng, cộng đồng và sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Sydney đã hỗ trợ sản xuất nông nghiệp an toàn và hỗ trợ sức khỏe thông qua chính sách và công nghệ canh tác bền vững, tiến bộ về an toàn thực phẩm và tăng khả năng chống chịu của cây trồng. Thông qua hợp tác nghiên cứu với các đối tác Việt Nam nhằm xác định những khoảng trống trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã thúc đẩy trao đổi liên quốc gia và nghiên cứu đa lĩnh vực, hiểu rõ tác động của một nền nông nghiệp mạnh đối với sức khỏe và nền kinh tế của quốc gia.

Nhạc viện của Đại học Sydney đã nhiều năm hợp tác với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, mời các sinh viên Đại học Sydney đến Việt Nam để cùng sáng tác các tiết mục âm nhạc đa văn hóa và tổ chức những buổi diễn chật kín khán phòng. Phó giáo sư Jane Gavan cũng xúc tiến các quan hệ hợp tác trong nước giữa những nhà sáng tạo và các tổ chức để mang đến cơ hội cho các cách tiếp cận bền vững và đổi mới trong việc nâng cao năng suất và đánh giá mức độ sáng tạo của con người Việt Nam. Các nhà nghiên cứu và sinh viên của Đại học Sydney đã hợp tác với các tổ chức và bộ ngành, trong đó có Viện nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.