Nông dân trên cánh đồng lúa Việt Nam

Tăng cường phát triển ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng

Vì những cộng đồng khỏe mạnh và bền vững

Nghiên cứu khoa học trong ngành nông nghiệp, an toàn sinh học và mô hình Một sức khỏe của Việt Nam đang tạo ra khuôn khổ cho một ngành bền vững nhằm hỗ trợ người trồng trọt và bảo vệ chuỗi cung ứng thực phẩm trong khu vực.

Việt Nam hiện đang sở hữu một ngành nông nghiệp quy mô lớn, chiếm tỷ lệ lao động lớn. Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là hậu quả của biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và lượng mưa lớn làm gián đoạn các hoạt động nông nghiệp.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Sydney đã tiến hành những nghiên cứu quan trọng nhằm hiểu rõ hơn và giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam và khu vực đang đối mặt. Đây là công việc Viện Đại học Sydney Việt Nam ưu tiên thực hiện và có đủ điều kiện thuận lợi để thúc đẩy.

Cách tiếp cận dựa trên bằng chứng khoa học đối với chính sách kinh tế trong nông nghiệp

Giáo sư Kinh tế Nông nghiệp và Tài nguyên Tiho Ancev từ Đại học Sydney đã dẫn đầu mảng nghiên cứu về phát triển các chính sách và hoạch định chiến lược dựa trên thực chứng nhằm mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp.

Ông và các đồng nghiệp đã hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) để xây dựng khuôn khổ cho Chiến lược phát triển Nông nghiệp của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp một loạt mục tiêu lớn hơn về phát triển xã hội, các tác động về dinh dưỡng và sức khỏe, các tác động giáo dục, cũng như các tác động về môi trường và bền vững vào kế hoạch chiến lược cho nông nghiệp.

Giáo sư Tiho Ancev hiện đang làm việc cùng với các đối tác Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn dựa trên thực chứng. Công trình này sẽ lượng hóa các tác động của các chính sách đối với ngành nông nghiệp và xác định các yếu tố chính sách giúp cải thiện hiệu suất tốt nhất. Điều này sẽ giúp thiết kế và thực thi chính sách hiệu quả, mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo Giáo sư Ancev: "Thông qua nghiên cứu các tác nhân chính sách, chúng tôi có thể hiểu chính xác những thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt và xác định các chính sách mang lại lợi ích cho nông dân, bao gồm cả các hộ nông dân quy mô nhỏ."

Việc thành lập Viện Đại học Sydney Việt Nam sẽ hỗ trợ cho chúng tôi hơn nữa để hợp tác hiệu quả với các đối tác nhằm thúc đẩy nghiên cứu và định hướng các chính sách trong tương lai.
Giáo sư Tiho Ancev

Duy trì một trong những cộng đồng phát triển nhanh nhất của Việt Nam

Phó Giáo sư Jeffrey Neilson gặp gỡ các cộng đồng địa phương

Phó Giáo sư Neilson đã hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng địa phương

Nhà nghiên cứu của Đại học Sydney - Phó Giáo sư Jeffrey Neilson – hiện đang nghiên cứu để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành cà phê ảnh hưởng đến kết quả sinh kế nông thôn ở Tây Nguyên, và đến tính bền vững và quá trình xóa đói giảm nghèo trong các nhóm dân cư khác nhau.

Nghiên cứu này là một phần của dự án đa đối tác do ACIAR tài trợ nhằm cải thiện tính bền vững của hệ thống canh tác cà phê và tiêu đen ở khu vực Tây Nguyên. Đại học Sydney đang hợp tác với Trung tâm Nông Lâm Thế giới, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (IPSARD), Đại học Tây Nguyên và các đối tác khác. 

Phó Giáo sư Neilson đang hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng địa phương ở Tây Nguyên để hiểu rõ hơn về cách các quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ảnh hưởng đến sinh kế nông thôn ở Tây Nguyên và các quá trình này tác động như thế nào đến tính bền vững và quá trình xóa đói giảm nghèo của các nhóm dân cư khác nhau.

Ông cũng đang xem xét sự gia tăng "các phương pháp tiếp cận cảnh quan đối với phát triển nguồn cung ứng bền vững", trong đó những người mua hàng toàn cầu hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền và các tổ chức cộng đồng địa phương để quản lý nhu cầu cạnh tranh, xã hội, kinh tế và môi trường.

Nghiên cứu đang được tiến hành và kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ cải thiện thực hành nông nghiệp, tiếp cận thị trường và hỗ trợ chính sách cho các hộ nông dân quy mô nhỏ.

Cách tiếp cận Một Sức khỏe với việc bảo vệ chuỗi cung ứng thực phẩm

Sức khỏe của con người, động vật và môi trường có mối liên hệ chặt chẽ và chịu tác động lẫn nhau. Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở Việt Nam, nơi ngành nông nghiệp đang phát triển và tình trạng kháng kháng sinh (AMR) khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn.

Tổ chức Y tế Thế giới đã phát triển Sáng kiến Một Sức Khỏe: một cách tiếp cận tổng hợp hướng đến sự cân bằng và tối ưu hóa sức khỏe con người, động vật và môi trường. Sáng kiến Một Sức Khỏe khuyến khích các Chính phủ, các nhà nghiên cứu và các ngành nghề phối hợp ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe.

Nghiên cứu của Phó Giáo sư Justin Beardsley đến từ Đại học Sydney phù hợp với chiến lược này. Công trình trước đây của ông liên quan đến các kỹ thuật xét nghiệm các mẫu mầm bệnh nấm từ môi trường và chỉ ra rằng Việt Nam là điểm nóng trong khu vực về tình trạng kháng thuốc chống nấm. Ngoài nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe, những mầm bệnh này còn có thể gây thiệt hại lớn cho cây trồng và hoa màu.

Hiện ông đang nghiên cứu phương cách áp dụng các kỹ thuật này để nghiên cứu các mầm bệnh khác nhau và ở quy mô lớn hơn. Nghiên cứu của ông tại Việt Nam nhằm làm rõ sự ảnh hưởng qua lại giữa các lĩnh vực dường như không liên quan như nông nghiệp với chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tập trung vào nguy cơ kháng kháng sinh gây ra bởi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và chính sách nông nghiệp.

Phó Giáo sư Beardsley cho biết: "Hiểu rõ hơn cách bảo vệ chuỗi cung ứng của quốc gia bằng cách cân bằng an ninh lương thực với an ninh y tế sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, khu vực cũng như chính sách và hoạch định toàn cầu".


Viện Đại học Sydney Việt Nam sẽ hợp tác với các đối tác trong nước và toàn cầu để tiếp tục củng cố chuỗi cung ứng thực phẩm, tối đa hóa hiệu quả nông nghiệp và thúc đẩy phúc lợi cộng đồng trong khu vực.