Kết nối với chúng tôi
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Sức mạnh của sáng tạo trong định hình và xây dựng bản sắc cộng đồng
Mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Úc đang mang đến những cơ hội trao đổi về nghệ thuật, âm nhạc và hiểu biết về bản sắc văn hóa.
Viện Đại học Sydney Việt Nam được thành lập với trọng tâm là trao đổi văn hóa. Việc chia sẻ kiến thức, văn hóa và quan điểm đa dạng giữa Việt Nam và Úc sẽ dẫn tới sự hiểu biết phong phú hơn, kết nối bền chặt hơn và hợp tác đổi mới mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia về xã hội, kinh tế và tri thức.
Phó giáo sư Jane Gavan của Đại học Sydney (Trường Nghệ thuật Sydney) và Tiến sĩ Steve Barry (Nhạc viện Sydney) đang hợp tác chặt chẽ với mạng lưới sẵn có của họ tại Việt Nam trong một số dự án nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng.
Nhiều vật dụng hàng ngày được cộng đồng địa phương chế tác từ những mảnh vỡ phế liệu chiến tranh
Phó Giáo sư Jane Gavan đang hợp tác chặt chẽ với Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh để thu hút cộng đồng tham gia chia sẻ những câu chuyện của họ và những khía cạnh ít được biết đến trong chiến tranh Việt Nam.
Hoạt động của dự án bao gồm kế hoạch triển lãm Thực phẩm và Chiến tranh – Sáng tác và chia sẻ những câu chuyện cộng đồng về Sum họp, Nấu và Ăn trong Việt Nam Thời Chiến và Những Người Canh Gác Xanh – Khám phá hình ảnh và các mô-típ thực vật trong Việt Nam Thời Chiến.
Thực phẩm và Chiến tranh khai thác cuộc sống thường nhật của người dân Việt Nam trong thời chiến thông qua góc nhìn về canh tác, tích trữ và chia sẻ lương thực. Nhiều đồ dùng nhà bếp và vật dụng khác được cộng đồng người Việt chế tác từ những mảnh vỡ phế liệu chiến tranh. Bằng cách khai thác các chủ đề như tìm nguồn nguyên liệu, bí quyết nấu ăn truyền thống, công thức nấu ăn và các khía cạnh chung của thực phẩm trong thời chiến, triển lãm được tổ chức hướng tới cả đối tượng khán giả địa phương và quốc tế.
Hai sáng tạo đáng chú ý trong văn hóa ẩm thực Việt Nam thời kỳ này có thể kể đến món Bánh Khọt hay còn gọi là trứng rồng được những người phụ nữ khéo léo làm ra từ những nguyên liệu tối giản, một món ăn vừa ngon vừa dinh dưỡng cho bộ đội. Những người lính còn nấu khoai lang hoặc sắn với lạc thành thực phẩm dự trữ trong các địa đạo. Khói từ quá trình nấu ăn được dẫn một cách bí mật đến các khu vực dưới lòng đất khác để đánh lạc hướng, che giấu vị trí của bộ đội.
Trong dự án Những Người Canh Gác Xanh, Phó Giáo sư Gavan lập một studio nghệ thuật bên trong bảo tàng để thu hút khách tham quan, đưa người xem đến với triển lãm cá nhân trưng bày một loạt tác phẩm treo tường là những bức ảnh báo chí thời chiến trong bảo tàng phản ánh những loài thực vật còn sống sót như những nhân chứng sống của chiến tranh.
Theo Phó Giáo sư Gavan, triển lãm này được thực hiện nhằm mang đến một khoảng lặng bình yên bên cạnh những tác phẩm trưng bày giàu cảm xúc của bảo tàng.
Bà phát biểu: "Với nhiều người Việt Nam, chiến tranh là một phần lịch sử vẫn còn ám ảnh cho đến ngày nay, và việc chia sẻ những câu chuyện của cộng đồng thời kỳ này đóng vai trò quan trọng như một cách để giúp họ hàn gắn nỗi đau và chấp nhận quá khứ".
Những triển lãm này cũng là cơ hội để cộng đồng trong nước và quốc tế hiểu biết hơn về chiến tranh Việt Nam cũng như những trải nghiệm và môi trường sống của cộng đồng: không chỉ về những thách thức của chiến tranh, mà còn về cả cách người dân Việt Nam cùng nhau vượt qua thời kì đó.
Lấy trọng tâm là sự bền vững, Phó Giáo sư Gavan cũng đã làm việc với các nhóm cộng đồng sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh để tạo cơ hội cho những phương thức đổi mới sáng tạo hướng tới nâng cao năng suất và thúc đẩy tinh thần sáng tạo của người Việt.
Phó Giáo sư Gavan đã tạo cơ hội cho các nghệ sĩ lưu trú tại các cộng đồng sản xuất nhằm mang đến những cái nhìn khác về môi trường nhà máy. Sau khi dành thời gian tại môi trường sản xuất, các nghệ sĩ đã tìm ra cơ hội để tận dụng không gian, thiết bị và phế liệu của nhà máy cho dự án của mình. Trong quá trình này, các nhà sản xuất cũng tìm ra các giải pháp mới để giảm chất thải và nâng cao năng lực đổi mới của mình.
Trong sự hợp tác với UNESCO, dự án nghiên cứu đã đạt được thành quả là triển lãm Sáng tạo Sản xuất được tổ chức tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Triển lãm trưng bày các thiết kế và tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ chất thải sạch, vật liệu và các quy trình sản xuất trong nhà máy theo những cách mới đầy bất ngờ.
Đối với Phó Giáo sư Jane Gavan, dự án này là minh chứng cho khả năng thúc đẩy hiệu suất từ việc phá bỏ các rào cản giữa các nhà sáng tạo và các doanh nhân.
Theo bà, "Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ này có thể đã không có đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động đổi mới hoặc nghiên cứu và phát triển?".
"Chương trình nghệ sĩ lưu trú đã chỉ cho cả nghệ sĩ và doanh nhân cách họ có thể làm việc cùng nhau để đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi, đồng thời giảm lượng chất thải."
Hoạt động hợp tác đang diễn ra giữa Việt Nam và Đại học Sydney đã mang lại những buổi biểu diễn “cháy vé”
Viện Đại học Sydney Việt Nam đặt các lợi ích của trao đổi văn hóa là trọng tâm trong các mục tiêu của Viện.
Tiến sĩ Barry cho biết: "Sự hợp tác đa văn hóa này cho phép chúng tôi nhìn nhận lại hiểu biết về địa phương qua những góc nhìn mới, đồng thời tiếp tục khám phá những quan điểm, phương pháp và cách thức làm việc mới thông qua đối thoại."
"Hoạt động đối thoại này, đến lượt nó, lại cho phép chúng ta nâng cao hơn nữa vai trò của nghệ thuật - và đặc biệt là giáo dục âm nhạc - như một chất xúc tác cho thực hành đổi mới sáng tạo, các sản phẩm nghệ thuật, cũng như giao lưu ngoại giao và hiểu biết văn hóa sâu rộng hơn."
"Việc thành lập Viện Đại học Sydney Việt Nam sẽ cho phép chúng tôi mở rộng mạng lưới trên khắp Việt Nam, mang đến những cơ hội mới cho các nhà hoạt động âm nhạc của Úc và Việt Nam".
Sự hợp tác giữa Nhạc viện Sydney và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đang cho thấy lợi ích của sự hợp tác đa văn hóa trong âm nhạc.
Được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Steve Barry, kể từ năm 2022, hàng năm, các sinh viên ngành nhạc jazz của Nhạc viện Sydney đều có một tuần giao lưu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội. Các sinh viên tham gia vào các buổi thảo luận, các lớp học chuyên sâu, và kết hợp biểu diễn trong các dàn nhạc, đồng thời được trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa phong phú.
Sinh viên của cả hai nhạc viện đều xây dựng được mạng lưới quan hệ lâu dài và được học hỏi lẫn nhau trên phương diện trải nghiệm cá nhân và hiểu biết địa phương. Chương trình đã mang đến những buổi hòa nhạc “cháy vé”, những bản thu âm và tác phẩm mới trong không gian văn hóa Úc-Việt.